Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về Khoa học Giáo dục

07/08/2017 In bài viết

Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, mã số KHGD/16-20 (gọi tắt là Chương trình Khoa học Giáo dục) là Chương trình nghiên cứu cấp quốc gia đầu tiên về lĩnh vực giáo dục và đào tạo được triển khai để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (gọi tắt là NQ29) và Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ29 (gọi tắt là NQ44 ).

Chương trình được thực hiện góp phần đổi mới cơ bản khoa học giáo dục Việt Nam theo hướng hiện đại, lấy nghiên cứu dựa trên minh chứng làm nền tảng, phù hợp với đặc điểm Việt Nam và tiệm cận với trình độ khoa học giáo dục thế giới. Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp cơ sở khoa học cho đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của quá trình giáo dục và đào tạo; quản lý giáo dục; xây dựng và ban hành hệ tiêu chí, chỉ số thống kê, cơ sở dữ liệu về giáo dục và đạo tạo. thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của NQ29; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Trong quá trình triển khai các đề tài nghiên cứu sẽ hình thành được đội ngũ các chuyên gia am hiểu sâu về giáo dục để tiếp tục tư vấn cho Ngành về lâu dài.

Trong giai đoạn 2015-2018, Chương trình đã xây dựng được 50 nhiệm vụ khoa học và công nghệ để thực hiện đến năm 2020. Về cơ bản, các nhiệm vụ đã đáp ứng được yêu cầu về “diện” và “điểm”. “Diện” là mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp của NQ29 đều có một hoặc một số nhiệm vụ KH&CN được triển khai nghiên cứu; “điểm” là tập trung ưu tiên triển khai các nhiệm vụ có tính chất “gỡ nút thắt”, cung cấp cơ sở khoa học góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách trong đổi mới giáo dục và đào tạo. Trong đó nhiều đề tài, đề án khoa học đã cung cấp luận cứ tốt để xây dựng hai Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (được Quốc hộ thông qua tại kỳ họp lần thứ 6 vừa qua) và Luật giáo dục sửa đổi (dự kiến thông qua trong kỳ họp QH lần thứ 7 tới). Đồng thời, nhiều vấn đề “nóng” của ngành giáo dục như đổi mới thi, bạo lực học đường, phát triển đội ngũ nhà giáo, qui hoạch các cơ sở giáo dục và đào tạo, giáo dục đạo đức lối sống, xã hội hóa, chiến lược phát triển giáo dục…. cũng đang được nghiên cứu bài bản.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học Giáo dục, tôi xin trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo, các tập thể, cá nhân đã và đang nhiệt huyết, tận tụy nghiên cứu, đề xuất các chính sách giáo dục, góp phần quan trọng vào sự hoàn thiện thể chế giáo dục của đất nước.

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đóng góp ý kiến của quý vị để ngành Giáo dục thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Chủ nhiệm Chương trình Khoa học Giáo dục